Thứ Sáu, ngày 25 tháng 04 năm 2025. Chào mừng đến cổng thông tin điện tử Bệnh viện Y học cổ truyền Thành phố Hồ Chí Minh. KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 – 30/4/2025)

Kiến thức y khoa

Y học cổ truyền điều trị viêm da cơ địa (Chàm thể tạng) như thế nào?

1. VIÊM DA CƠ ĐỊA LÀ GÌ?

Viêm da cơ địa (Chàm thể tạng) là một bệnh da viêm, diễn biến mạn tính với nhiều đợt bùng phát. Hiện nay, Viêm da cơ địa (VDCĐ) là bệnh lý da liễu phổ biến trên thế giới, có thể gặp mọi lứa tuổi, trong đó, ở người lớn dao động trong khoảng 2-10%. Đặc trưng của bệnh là da bị viêm, phát ban, đỏ da, da khô và ngứa nhiều. Ngứa nhiều dẫn đến gãi xước da, rối loạn giấc ngủ và nhiều hệ lụy khác ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của hàng triệu người trên Thế giới.

Anh chup Man hinh 2025 02 05 luc 08.16.48

Nguyên nhân gây ra Viêm da cơ địa được cho là sự tương tác phức tạp của các yếu tố di truyền, miễn dịch và môi trường. Những người có Cha, Mẹ hoặc cả hai mắc các bệnh dị ứng như Hen suyễn hoặc Viêm mũi dị ứng sẽ có nhiều khả năng bị Viêm da cơ địa hơn. Các tác nhân môi trường như chất kích thích, chất gây dị ứng, căng thẳng và thay đổi khí hậu cũng có thể góp phần làm bùng phát bệnh.

Anh chup Man hinh 2025 02 05 luc 08.16.26

2. QUAN NIỆM Y HỌC CỔ TRUYỀN VỀ VIÊM DA CƠ ĐỊA NHƯ THẾ NÀO?

Quan niệm YHCT cho rằng triệu chứng bệnh thuộc phạm trù chứng Thấp sang, chứng Tiễn. Bệnh phát sinh do phối hợp nguyên nhân Tà khí bên ngoài (Phong, Nhiệt và Thấp tà) với khí huyết, tạng phủ bên trong cơ thể bị rối loạn, mất cân bằng; lâu ngày Phong thấp nhiệt uất lại trong bì phu, huyết hư sinh phong hóa táo khiến bệnh diễn tiến kéo dài.

3. ĐIỀU TRỊ VIÊM DA CƠ ĐỊA NHƯ THẾ NÀO?

Đối với Y học hiện đại, việc sử dụng các nhóm thuốc Tây như thuốc kháng viêm (Corticosteroid, calcineurin… ) và có thể kèm kháng sinh, kháng dị ứng… sẽ giúp người bệnh giảm triệu chứng trong những đợt bùng phát, tuy nhiên lại tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ như: teo da, dãn mạch, phát ban trứng cá, rối loạn nội tiết…Do đó, điều trị VDCĐ cần có một kế hoạch dài hạn nhằm giảm các triệu chứng khó chịu trên người bệnh, kéo dài thời gian lui bệnh, giảm tỉ lệ tái phát, nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh. Những năm gần đây, sự kết hợp giữa điều trị Đông – Tây y, bao gồm sử dụng thuốc YHCT, châm cứu, cấy chỉ… ngày càng được chú trọng hơn.

Tại Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM, với thế mạnh chuyên khoa Y học cổ truyền, bao gồm sử dụng dược thảo, nhĩ châm, cấy chỉ… đã cho thấy hiệu quả trong điều trị bệnh lý này, giúp cải thiện triệu chứng, kiểm soát bệnh 1 cách an toàn.

3.1 Điều trị dùng thuốc:

Tuy theo bệnh cảnh lâm sàng, các bài thuốc dùng phù hợp như: Tiêu phong tán, Tiêu phogn đạo xích thang, Tứ vật tiêu phong ẩm, Nhị diệu thang…gia giảm các vị thuốc: Liên kiều, Kim ngân hoa, Bồ công anh, Đơn bì, Thuyền thoái…

Các bài thuốc được bào chế dưới dạng thành phẩm: cao lỏng, viên hoàn…dễ sử dụng và tiện lợi.

3.2 Điều trị không dùng thuốc:

Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy châm cứu có tác dụng điều trị ngứa và kháng viêm, giảm đau, an thần, điều hòa miễn dịch giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của ở người bệnh Viêm da cơ địa. Các huyệt được dùng thể châm hoặc cấy chỉ: Khúc trì, Huyết hải, Túc tam lý, Thần môn, Tam âm giao…

Nhĩ châm là một hình thức thuộc Châm cứu, liên quan đến việc kích thích những huyệt ở trên loa tai. Các huyệt điều trị Viêm da cơ địa, ví dụ: Dị ứng, Phế, Thần môn, Nội tiết, Tuyến thượng thận,…

Bên cạnh đó, người bệnh cần lưu ý các biện pháp tự chăm sóc, điều chỉnh lối sống góp phần cải thiện bệnh viêm da cơ địa như sau:

  1. Giữ ẩm cho da: giúp ngăn ngừa da khô, ngứa và bùng phát. Dùng kem dưỡng ẩm hoặc chất làm mềm da không có mùi thơm và không gây dị ứng.
  2. Tránh các yếu tố dị ứng nguyên: Xác định và tránh tiếp xúc các yếu tố gây dị ứng hoặc kích hoạt đã được biết giúp ngăn ngừa các đợt bùng phát bệnh. Ví dụ: một số loại vải (len hoặc vật liệu tổng hợp), xà phòng hoặc chất tẩy rửa mạnh, ánh nắng mặt trời, một số loại thực phẩm và chất gây dị ứng. Viết nhật ký để theo dõi các tác nhân này.
  3. Chọn xà phòng và chất tẩy rửa nhẹ nhàng, không có mùi thơm. Chọn các sản phẩm được dán nhãn là phù hợp với da nhạy cảm hoặc da bị chàm.
  4. Tắm vòi sen hoặc tắm nước ấm trong thời gian ngắn: Tránh dùng nước nóng vì có thể làm khô da thêm. Giới hạn thời gian tắm trong vòng 5-10 phút. Sau đó, lau khô da nhẹ nhàng bằng khăn mềm.
  5. Chọn quần áo rộng rãi, thoáng khí làm từ vải mềm như cotton. Tránh các chất liệu dễ gây trầy xước và quần áo có dây thun bó sát có thể gây kích ứng da. Giặt quần áo mới trước khi mặc để loại bỏ bất kỳ chất gây kích ứng tiềm ẩn nào.
  6. Giữ móng tay ngắn và tránh gãi: Cắt móng tay thường xuyên và cắt ngắn để tránh gãi. Gãi có thể làm tổn thương da, dẫn đến nhiễm trùng và làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Thay vào đó, hãy vỗ nhẹ hoặc làm ẩm vùng da bị ngứa.
  7. Kiểm soát căng thẳng: Căng thẳng có thể kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm các đợt bùng phát bệnh. Nên thực hành các hoạt động thư giãn (thở sâu, thiền, yoga)…
  8. Bảo vệ làn da: Sử dụng các biện pháp thích hợp để bảo vệ làn da khỏi các tác nhân khắc nghiệt từ môi trường. Khi thời tiết lạnh, hãy đeo găng tay và quàng khăn để bảo vệ tay và mặt. Khi thời tiết nóng, hãy sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF cao và mặc quần áo rộng, nhẹ để tránh đổ mồ hôi và kích ứng.

Bạn hoặc người thân có đang nghi ngờ bị Viêm da cơ địa không? Hãy đến Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM để được các Bác sĩ thăm khám và tư vấn cụ thể về tình trạng sức khỏe nhé! 

ThS BS Trần Thu Nga

Đối tác