Thứ Hai, ngày 24 tháng 03 năm 2025. Chào mừng đến cổng thông tin điện tử Bệnh viện Y học cổ truyền Thành phố Hồ Chí Minh.

Tin tức - sự kiện

Các vị thuốc cổ truyền thuộc nhóm giải biểu

Thời tiết thay đổi, chuyển mùa khô, lạnh chính là điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn gây bệnh sinh sôi và phát triển. Trong đó có bệnh lý đường hô hấp trên mà dân gian hay gọi là bệnh cảm cúm giao mùa.

Theo Y học hiện đại, cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân.[1]

Theo định nghĩa của Đông y, khi thời tiết trái gió trở trời (ngoại tà) và khả năng chống đỡ của cơ thể bị suy yếu, tác động của thời tiết sẽ vượt quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể và gây ra bệnh, người ta gọi đó là ngoại tà xâm phạm. Cảm cúm là một trong những bệnh chứng thường gặp nhất, khi mà ngoại tà xâm phạm vào phần ngoài của cơ thể (ngoại tà phạm biểu).[2]

Bài viết dưới đây đề cập về một vài vị thuốc giải biểu có tác dụng làm ra mồ hôi (phát hãn) giải trừ biểu chứng (giảm các triệu chứng ở phần biểu – da), có công dụng điều trị bệnh cảm cúm.

1. Bạch chỉ [3,4,5]

Tên khoa học Radix Angelicae dahuricae.

Thuộc họ Hoa tán Apiaceae / Umbelliferae.

Bộ phận dùng là rễ phơi hay sấy khô của cây Bạch chỉ.

  • Mô tả cảm quan:

Bạch chỉ sau khi đã chế biến là những phiến dày gân tròn. Mặt ngoài màu nâu xám hoặc nâu vàng. Mặt bẻ gẫy màu trắng hoặc trắng xám, có tinh bột, có vòng màu nâu gân tròn hoặc thuôn, rải rác có các chấm (nốt) chứa tinh dầu. Mùi thơm, vị cay hơi đắng.

  • Công năng, chủ trị:

Dùng để điều trị cảm mạo phong hàn, nhức đầu vùng trán, đau xương lông mày, ngạt mũi, chảy nước mũi do viêm xoang, đau răng; mụn nhọt sưng tấy, vết thương có mủ, ngứa ớ các bộ phận trong người.

  • Cách dùng và liều dùng:

Ngày dùng 3g – 9g, dạng thuốc sắc hoặc tán bột.

Thường phối hợp với các vị thuốc khác.

  • Kiêng kỵ và thận trọng:

Âm hư hoả vượng, nhiệt thịnh không nên dùng.

  • Bài thuốc:

 Chữa trẻ con nóng sốt: Nấu nước Bạch chỉ, tắm thật nhanh ở nơi kín gió.

2. Phòng phong [3,4,5]

Tên khoa học Radix Saposhnikoviae divaricatae.

Thuộc họ Hoa tán (Apiaceae).

Bộ phận dùng là rễ đã được phơi khô của cây Phòng phong.

  • Mô tả cảm quan:

Phòng phong sau chế biến thành lát hình tròn hoặc hình elip. Bên ngoài màu nâu xám có các nếp nhăn dọc, sần sùi, đôi khi có các u lồi ngang kéo dài giống các lỗ vỏ, các lát đầu rễ có mang các gổc cuống lá dạng sợi. Mặt cắt màu nâu nhạt và phần vỏ bị nứt, khe nứt màu vàng nhạt, phần gỗ có các tia xuyên tâm.

  • Công năng, chủ trị:

Dùng để điều trị đau đầu do hàn, mày đay, phong thấp tê đau, uốn ván.

  • Cách dùng và liều dùng:

Ngày dùng từ 5g đến 12g, thường phổi hợp trong các bài thuốc.

  • Bài thuốc:

Chữa thiên đầu thống (đau nhức một bên đầu):

Phòng phong, Bạch chỉ hai vị bằng nhau tán nhỏ, hòa với mật viên bằng quả táo, mỗi lần ngậm một viên, dùng nước chè mà chiều thuốc.

Chữa triệu chứng khi ngủ ra mồ hôi trộm:

Phòng phong 80g, Xuyên khung 40g, nhân sâm 20g (có thể dùng đảng sâm). Các vị tán nhỏ, trộn đều; mỗi lần trước khi đi ngủ uống 10-12g bột này.

3. Cúc hoa [3,4,5]

Còn gọi là Cam cúc hoa, Bạch cúc hoa, Cúc hoa trắng, Cúc điểm vàng, Hoàng cúc, Dã cúc hoa, Kim cúc.

Tên khoa học Flos Chrysanthemi indici.

Thuộc họ Cúc Asteraceae (Compositae).

Cúc hoa là hoa cúc phơi hay sấy khô. Người ta còn dùng cả hoa của cây cúc hoa vàng hay dã cúc, kim cúc, cúc riềng vàng Chrysanthemum indicum L. cùng họ.

  • Mô tả cảm quan:

Cụm hoa hình đầu, màu vàng hơi nâu, đôi khi còn đính cuống; đường kính 0,5 – 1,2 cm. Tổng bao gồm 4 – 5 hàng lá bắc, mặt ngoài màu xanh hơi xám hoặc nâu nhạt, ở giữa hai bên mép rất nhạt và khô xác. Có 2 loại hoa: Hoa hình lưỡi nhỏ một vòng, đơn tính, không đều ở phía ngoài; nhiều hoa hình ống, đều, mẫu năm, lưỡng tính ở phía trong. Chất nhẹ, mùi thơm, vị đắng.

  • Công năng, chủ trị:

Dùng để điều trị các chứng hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, đau mắt đỏ, chảy nhiều nước mắt, huyết áp cao, đinh độc mụn nhọt, sưng đau.

  • Cách dùng và liều dùng:

Ngày dùng 12g – 30g (hoặc 9g – 15g) dạng thuốc sắc hay thuốc bột.

  • Kiêng kỵ và thận trọng:

Tỳ vị hư hàn ỉa chảy không nên dùng.

  • Bài thuốc:

Tang cúc ẩm chữa họ và sốt, cảm mạo:

Tang diệp, Cúc hoa, mỗi vị 6g, Liên kiểu, Bạc hà, Cam thảo, Cát cánh, mỗi vị 4g, nước 600ml. Sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.

4. Sài hồ (bắc) [3,4,5]

Còn gọi là Bắc sài hồ, Sà diệp sài hồ, Trúc diệp sài hồ

Tên khoa học Radix Bupleuri.

Thuộc họ Hoa tán Apiaceae.

Bộ phận dùng là rễ đã phơi hay sấy khô của cây Bắc Sài hồ.

  • Mô tả cảm quan:

Sài hồ sau khi chế biến: bên ngoài màu nâu đen hoặc nâu nhạt, có các nếp nhăn dọc và vết sẹo của rễ con. Bề mặt phiến hơi trắng ngà, có xơ. Chất cứng. Mùi thơm nhẹ, vị hơi đắng.

  • Công năng, chủ trị:

Dùng để điều trị hàn nhiệt vãng lai, ngực sườn đau trướng, miệng đắng, không muốn ăn, buồn nôn (như sốt rét); đau đầu, chóng mặt, dễ cáu gắt, rối loạn kinh nguyệt, sa dạ con, sa trực tràng.

  • Cách dùng và liều dùng:

Ngày dùng từ 3g đến 9g, phối hợp trong các bài thuốc.

  • Kiêng kỵ và thận trọng:

Không dùng cho người can dương thượng thăng, âm hư hòa vượng.

Chú ý: Thân rễ cây Sài hồ lá dài (Bupleumm longiradiatum Turcz) bề ngoài phủ nhiều mấu tròn rất độc, không thể dùng làm vị thuốc Sài hồ được.

  • Bài thuốc:

Chữa sốt, hư lao phát sốt, tinh thần mệt mỏi

Tiểu sài hồ thang (bài thuốc thông dụng trong đồng y do Trương Trọng Cảnh dùng đầu tiên): Sài hồ 15g, Nhân sâm 4g, Sinh khương 4g, Bán hạ 7g, nước 600ml sắc, còn 300ml. Chia 3 lần uống trong ngày.

Chữa hư lao phát sốt, cảm mạo phát sốt:

Sài hồ 160g, Cam thảo 40g. Hai vị tán nhỏ, mỗi ngày dùng 8g bột này sắc với 1 bát nước.

5. Khương hoạt [3,4,5]

Còn gọi là Xuyên khương, Trúc tiết khương.

Tên khoa học Rhizoma et Radix Notopterygii.

Thuộc họ Hoa tán Apiaceae.

Bộ phận dùng là thân rễ và rễ đã phơi khô của cây Khương hoạt.

  • Mô tả cảm quan:

Khương hoạt sau khi chế biến thành lát cắt ngang hoặc xiên có hình gần tròn, không đều. Bên ngoài màu nâu tới đen, bề mặt lát có màu nâu ở phía ngoài, trắng ngà ở phần gỗ, đôi khi thấy các tia xuyên tâm. Chất nhẹ và giòn. Mùi thơm, vị hơi đẳng và cay.

  • Tính vị quy kinh:

Tân, khổ, ôn. Vào các kinh bàng quang, can, thận.

  • Công năng, chủ trị:

Dùng để điều trị cảm mạo phong hàn (mình đau không có mồ hôi), phong chạy khắp người, mình, chân, tay, các khớp đau nhức nặng nề, thiên về đau ờ nửa người trên.

  • Cách dùng và liều dùng:

Ngày dùng 3g – 9g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán, thường phối hợp với các vị thuốc khác.

  • Kiêng kỵ và thận trọng:

Chứng thực nhiệt, hư nhiệt không nên dùng.

Theo sách cổ nói phàm những người huyết hư không phải chứng phong hàn thực tà chớ dùng.

  • Bài thuốc:

Chữa người có thai bị phù thũng:

Khương hoạt, La bặc tử, hai vị sao thơm, tán nhỏ; mỗi lần uống 6 đến 8g. Ngày thứ 1 uống 1 lần, ngày thứ 2 uống 2 lần, ngày thứ 3 uống 3 lần là đủ. Dùng rượu hâm nóng lên mà chiêu thuốc.

Chữa cảm nói ngọng, chân tay co quắp, tê dại mất tiếng:

Khương hoạt tán nhỏ, mỗi lần cho uống 8 đến 12g, dùng rượu chiêu thuốc.

6. Quế chi [3,4,5]

Tên khoa học Ramulus Cinnamomi.

Thuộc họ Long não (Lauraceae).

Bộ phận dùng là cành phơi hay sấy khô của cây Quế (Cinnamomum cassia Presl) hoặc một số loài Quế khác (Cinnamomum zeylanicum Blume, Cinnamomum loureirii Nees).

  • Mô tả cảm quan:

Quế chi sau chế biến có lớp vỏ màu nâu, bên trong có gỗ màu vàng nhạt tới nâu vàng, ruột gần tròn. Mùi thơm nhẹ, vị ngọt và hơi cay.

  • Công năng, chủ trị:

Dùng để điều trị cảm mạo phong hàn, khí huyết ứ trệ, phù, đái không thông lợi.

  • Cách dùng và liều dùng:

Ngày dùng từ 6 g đến 12 g, dạng thuốc sắc. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.

  • Kiêng kỵ và thận trọng:

Âm hư hỏa vượng và phụ nữ có thai không dùng.

  • Bài thuốc:

Chữa cảm mạo – Quế chi thang (Đơn thuốc của Trương Trọng Cảnh):

Quế chi 8g, Cam thảo 6g, Thược dược 6g, Sinh khương 6g, Táo đen 4 quả, nước 600ml. Sắc còn 200ml. Chia 3 lần uống trong ngày (uống nóng).

Chữa nhức đầu hoa mắt:

Quế chi 6g, Thược dược 6g, Đại táo 6g, Sinh khương 6g, Phục linh 6g, Bạch truật 6g, Cam thảo 4g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.

Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng mỗi vị thuốc đều có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Nên tham vấn ý kiến của bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và cách dùng thuốc hợp lý nhất.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quyết định số 4235/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 31/10/2012 về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh hô hấp.
  2. Nhà xuất bản y học (2007), Bệnh học và điều trị đông y, 9-13
  3. Dược điển Việt Nam V của Bộ Y tế.
  4. Đỗ Tất Lợi. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam . NXB Hồng Đức; 2004.
  5. Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam. NXB Y học; 2014.

Tác giả: DS. Phạm Hoàng Ngân, ThS. DS Nguyễn Kim Ngân

Đối tác