Tên vị thuốc: Cỏ mực (Cỏ nhọ nồi)
Tên khoa học: Herba Ecliptae
Tên gọi khác: Cỏ nhọ nồi, Hạn liên thảo.
Họ: Cúc (Asteraceae)
Bộ phận dùng: Toàn cây
Dạng bào chế: Sấy khô
Mô tả cảm quan: Thân hình trụ, có khía dọc, dài khoảng 30 cm đến 50 cm, đường kính 2 mm đến 5 mm. Mặt ngoài thân màu nâu tím nhạt và mang lông cứng, trắng. Lá nguyên, mọc đối, hình mũi mác, màu xám đen và nhăn nheo, dài 2,5 cm đến 3 cm, rộng 1 cm đến 2,5 cm. Hai mặt đều có lông cứng ngắn, màu trắng. Mép phiến lá có răng cưa, to và nông. Gốc phiến lá men xuống nên trông như không có cuống lá. Cụm hoa hình đầu, màu trắng, đường kính 4 mm đến 8 mm, mọc ở kẽ lá hay ngọn cành. Đầu mang 2 loại hoa: hoa cái hình lưỡi nhỏ ở ngoài, hoa lưỡng tính hình ống ở trong, có khi các hoa đã rụng chỉ còn lại tông bao lá bắc và trục cụm hoa. Quả đóng hình trái xoan hơi dẹt, đầu cụt, màu đen. Dài 3 mm, rộng 1 mm đến 1,5 mm.
Tính vị quy kinh: Cam, toan, hàn. Vào hai kinh can, thận. Vị ngọt, chua, tính lương
Công năng, chủ trị: Lương huyết, chỉ huyết, bổ can thận. Chủ trị: Can, thận âm hư, các chứng huyết nhiệt, chứng ho ra máu, nôn ra máu, đại tiện và tiểu tiện ra máu, chảy máu cam, chảy máu dưới da, băng huyết, rong huyết.
Cách dùng – Liều dùng: Ngày dùng từ 12 g đến 20 g, dạng thuốc sắc hoặc viên. Thường phối hợp với một số vị thuốc khác. Có thể dùng ngoài, dược liệu tươi, lượng thích hợp.
Kiêng kỵ – Thận trọng: Tỳ vị hư hàn. ỉa chảy phân sống không nên dùng.
Bài thuốc thường dùng:
- 1. Chảy máu cam, nôn ra máu từ dạ dày: Cỏ mực 30g, Lá sen 15g, Trắc bá diệp 10g, đun sôi với nước và chia uống làm 3 lần.
- 2. Chứng vàng da, đau thận, rụng tóc: Cỏ mực và cành cây Râm, mỗi vị 15g sắc uống.
- 3. Loét ống tiêu hoá chảy máu: Dùng cỏ Mực 30g, cỏ Bấc 30g, đun sôi uống.
- 4. Chữa cơ thể suy nhược, thiếu máu, kém sức, ăn không ngon, gầy yếu: Cỏ mực 100g, cỏ Mần trầu 100g, Gừng khô 50g, các vị chặt nhỏ, sao sơ, khử thổ, đổ vào 3 chén nước dừa tươi, nấu còn 8 phần, uống ngày 2 lần.
- 5. Cây Nhọ nồi giã vắt nước uống để cẩm máu rong kinh, trĩ ra máu, bị thương chảy máu. Còn dùng chữa ho, hen, ho lao, viêm cổ họng. Ngày dùng 6g-12g dưới dạng sắc hoặc làm thành viên uống.
Tài liệu tham khảo:
1. Dược điển Việt Nam V;
2. Cây thuốc và vị thuốc dùng làm thuốc – Đỗ Tất Lợi;
3. Từ điển cây thuốc Việt Nam – Võ Văn Chi;
4. Mô tả cảm quan: Tiêu chuẩn cơ sở vị thuốc tại BV Y học cổ truyền.
Be the first to review “Cỏ mực (Cỏ nhọ nồi)”